Ngọc trai – Món trang sức vô giá từ biển cả

Ngọc trai – Món trang sức vô giá từ biển cả

Ngọc trai là nước mắt của nữ thần sắc đẹp Aphrodite, là “một tạo vật xinh đẹp được sản sinh từ một cuộc đời đầy tổn thương”, như lời của Stephan Hoeller, là vật bảo hộ tháng Sáu và là loại đá quý trường tồn lâu dài nhất trong lịch sử văn minh nhân loại.

Rất lâu về trước, trong một lần tìm kiếm thức ăn ven biển, loài người đã vô tình phát hiện ra những hạt tròn màu trắng trong lòng các con hàu. Lúc đó, họ nghĩ rằng các viên ngọc nhỏ đó là trứng của các loài động vật nhuyễn thể mà không hề hay biết vừa khám phá ra một điều diệu kỳ từ biển cả. Kim cương có thể là loại đá quý trường tồn vĩnh cửu nhưng ngọc trai mới là vật phẩm gắn bó với con người lâu nhất. Ngọc trai, không rực rỡ, chói lòa nhưng là biểu tượng của sự cao sang, đài các.

Song hành với lịch sử

Sử sách Trung Hoa có ghi chép về trân châu từ biển là một trong những cống vật quý hiếm nhất được dâng cho triều đình vào 2.300 năm trước Công Nguyên. Không lâu sau đó, nhờ vào một chuỗi vòng cổ ngọc trai ba tầng được kết bằng 216 viên ngọc được tìm thấy trong lăng mộ của một vị công chúa Ba Tư, người ta có thể khẳng định rằng ngọc trai đã được sử dụng làm trang sức cho phái đẹp vào 520 năm trước Công Nguyên. Một mảnh từ chiếc vòng cổ ngọc trai mang tên Susa này hiện đang được trưng bày trong Viện bảo tàng Louvre, Paris. Trong thời kỳ hoàng kim của loại ngọc này, ngọc trai quý hiếm đến mức vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, Julius Caesar đã từng ban hành luật cấm tất cả dân thường đeo chúng. Chỉ có tầng lớp thống trị và hoàng tộc mới được sử dụng.

Ngọc trai từng được tìm thấy rất nhiều ở Vịnh Ba Tư và có một vai trò quan trọng trong văn hóa Ả R ập. Trước khi nuôi cấy xuất hiện ở Nhật, Vịnh Ba Tư là một trong những trung tâm thương mại ngọc trai lớn nhất, tấp nập nhất thế giới. Ngọc trai chính là nguồn gốc của sự giàu có ở vùng đất này trước khi dầu mỏ được tìm thấy. Ngọc trai cũng là mặt hàng thương mại trọng yếu từ thời La Mã, việc tìm ra những viên ngọc này ở vùng Trung và Nam Mỹ vào thế kỷ 15 và 16 đã dẫn đến thời kỳ đỉnh cao gọi là Pearl Age. Có một câu chuyện kể lại rằng Hoàng đế La Mã Vitellius chỉ cần bán một bên hoa tai ngọc trai của mẹ ông là đủ chi phí để tiến hành một cuộc chiến lớn. Tuy nhiên, với sự tang vọt nhu cầu ở các quốc gia Đông Âu, nơi các công nương và hoàng hậu xem chúng là biểu tượng cho sự cao sang, quyền quý vào thế kỷ 19, nguồn cung loại ngọc này bắt đầu trở nên khan hiếm.

Quá trình tạo ngọc trai

Sự hình thành ngọc trai bên trong cơ thể của loài động vật nhuyễn thể như hàu là quá trình độc nhất vô nhị của tự nhiên. Khi một dị vật rơi vào trong cơ thể của loài nhuyễn thể, để tránh dị vật đó gây tổn thương đến cơ thể, loài nhuyễn thể tự tiết ra các lớp xà cừ bao bọc dị vật. Các lớp xà cừ được tiết ra ngày này qua tháng nọ đến vài năm sau thì một viên ngọc trai sẽ hình thành. Độ bóng của ngọc trai phụ thuộc vào độ phản xạ và độ khúc xạ ánh sáng từ lớp xà cừ. Sự phát tán ngũ sắc, đặc biệt thường thấy ở ngọc trai đen, là kết quả từ sự chồng chất liên tục của các lớp xà cừ liên tiếp nhau. Mãi đến những năm cuối của thế kỷ 19, cách duy nhất để khai thác ngọc trai là các thợ lặn phải liều mình lặn xuống độ sâu hơn 30 m mà không có đồ bảo hộ để vớt các con hàu, điệp lên bờ. Dù nguy hiểm là vậy nhưng hiệu suất lại vô cùng thấp vì trong cả tấn hàu được vớt lên, chỉ có vài con chứa viên ngọc đạt tiêu chuẩn. Không phải con nào cũng tạo được ngọc, tỷ lệ đó là một trên 250.000 và chỉ 0,5% trong số các con trai tạo được ngọc có thể nuôi viên ngọc ấy đến kích thước 6 mm trong thời gian hơn 10 năm. Ngày nay, ngọc trai tự nhiên trở nên khan hiếm và gần như chỉ xuất hiện ở vùng biển Bahrain và vùng biển Ấn Độ Dương thuộc nước Úc. Chỉ có khoảng 5% ngọc trai trên thị trường là tự nhiên, 95% còn lại là ngọc trai nuôi cấy.

Có câu chuyện kể lại vào năm 1893, Kokichi Mikimoto, người con trai của một đầu bếp mì ở Nhật đã tạo ra một trong những viên ngọc trai nuôi cấy đầu tiên. Từ quá trình tạo ngọc của tự nhiên, Mikimoto đã tạo ngọc bằng cách chủ động cấy một hạt nhân vào bộ phận sinh dục của con trai theo một phương pháp đặc biệt để con trai không đào thải được. Sau đó, con trai được thả lại biển và quá trình tạo ngọc sẽ diễn ra như tự nhiên. Ngọc trai nhân tạo ra đời đã làm giá trị của ngọc tự nhiên sụt giảm mạnh vào đầu thế kỷ 20. Từ năm 1935, 350 trang trại ngọc ở Nhật sản xuất 10 triệu viên ngọc trai chất lượng mỗi năm. Loại ngọc trai nhân tạo của Mikimoto có tên là Akoya và vẫn được sử dụng làm trang sức đến ngày nay.

Nước mắt của đại dương

Ngọc trai được chia ra thành hai loại chính là ngọc nước ngọt và ngọc nước mặn. Akoya, Tahiti và Nam Hải là ba loại ngọc trai nước mặn nổi tiếng. Ngọc trai đen Tahiti từng được gọi là nước mắt màu đen của biển cả vì sự quý hiếm của nó. Loại trai đen Tahiti chỉ được tìm thấy ở Tahiti và quần đảo Polynesia trên Thái Bình Dương. Thế nhưng, loại ngọc trai thuộc vào hàng cực phẩm quý hiếm nhất thế giới chính là ngọc trai Nam Hải. Lý do khiến loại ngọc này mang giá trị cực cao là vì màu sắc, độ bóng cũng như ánh phản chiếu rất nổi bật so với các loại ngọc trai còn lại và một điều đơn giản là do loài trai Pinctada margaritifera tạo ngọc đen Tahiti có số lượng nhiều hơn loài trai Pinctada maxima tạo ngọc Nam Hải. Ngọc trai Nam Hải chỉ được tìm thấy ở tầng nước sâu tại các vùng biển thuộc Úc, Indonesia và Philippines.

Conch pearl – ngọc trai xà cừ, là một loại ngọc không được tạo ra từ con trai mà là từ một số loài nhuyễn thể khác như hàu, sò… Ngọc này không thể nuôi cấy, có hình dạng đặc biệt (không phải hình cầu như ngọc trai thường) và màu sắc phong phú nên có giá cao ngất ngưởng. Một viên ngọc trai xà cừ kích thước hạt đậu có giá lên đến 120.000 đô-la Mỹ.

Báu vật của đời

Nếu phụ nữ là báu vật của đời thì ngọc trai chính là báu vật của nữ giới. Những biểu tượng nhan sắc không bị lu mờ bởi lớp bụi thời gian và giá trị những viên ngọc mà tượng đài sắc đẹp sở hữu cũng vậy, chưa hề giảm đi cùng năm tháng mà ngày càng đáng giá hơn. Như viên ngọc La Peregrina mà diễn viên R ichard Burton dành tặng cho Elizabeth Taylor vào lần sinh nhật thứ 37 của bà. La Peregrina, năm 1969, được Burton mua với giá 37.000 đô-la Mỹ và sau 42 năm, con số đó đã tăng đến 11,8 triệu đôla Mỹ, lập kỷ lục là viên ngọc trai đắt nhất thế giới tại buổi đấu giá của Christie’s New York vào năm 2011. Hiện nay, viên ngọc trai này được đính trên một chiếc vòng cổ do Cartier thiết kế.

Một kiệt tác ngọc trai nữa ra đời từ nhà Cartier là chiếc vòng cổ mang tên Nữ công tước xứ Windsor. Từng thuộc bộ sưu tập nữ trang của Hoàng hậu Mary, vợ của Vua George V, trong một buổi đấu giá vào năm 1987, chiếc vòng cổ này thuộc về nhà thiết kế Calvin Klein như một món quà ông dành tặng vợ. 20 năm sau, báu vật hoàng gia tái xuất ở phiên đấu giá của Sotheby và lập kỷ lục mới mức giá 4,82 triệu đô-la Mỹ.

Một di sản khác từ hoàng gia Pháp chính là đôi ngọc trai màu xám của Hoàng hậu Eugénie. Hai viên ngọc trai này từng được đính trên chiếc vòng cổ Cowdray nhưng sau này lại được nhà kim hoàn New Y ork là Siegelson chế tác thành đôi khuyên tai. Đôi khuyên tai ngọc trai hình quả lê này được bán với giá 3,3 triệu đô-la Mỹ vào năm 2014.

Khi nhà Cartier mở rộng thị trường sang Mỹ, Jacques Cartier đã mua một cửa hàng tại số 653 Fifth Avenue từ gia đình Plants bằng một vòng ngọc trai hai chuỗi được kết từ 128 viên ngọc thiên nhiên và 100 đô-la Mỹ tiền mặt. Chiếc vòng ngọc trai đó được ước tính vào năm 1917 đáng giá 1 triệu đô-la Mỹ.

Cảm hứng từ con trai

Thập niên 1920 là thời đại huy hoàng của ngọc trai trong ngành t hời trang. Với câu nói “Một người phụ nữ cần những dây chuỗi, những dây chuỗi làm bằng ngọc trai”, Coco Chanel đã biến ngọc trai trở thành một thứ trang sức thiết yếu điểm tô phụ nữ hơn một thế kỷ qua. Tình yêu bất diệt của Mademoiselle Chanel dành cho ngọc trai cũng giống như tình cảm của bà dành cho loại hoa trà camelia. Niềm đam mê đó được nhà Chanel tái hiện trong bộ sưu tập Les Perles de Chanel làm từ ngọc Nam Hải màu hồng, vàng và ngọc đen Tahiti.

Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy là một trong những người phụ nữ quyền lực đã nâng tầm giá trị của ngọc trai. “Ngọc trai luôn luôn thích hợp” là lời nhận xét của bà về loại ngọc này. Không chỉ có Đệ nhất phu nhân mà các đại minh tinh như Grace Kelly, Elizabeth Taylor cũng có niềm đam mê đặc biệt với loại ngọc này. Khi kể đến ngọc trai, không thể không nhắc đến vòng ngọc sát cổ ba tầng của Audrey Hepburn trong bộ phim kinh điển của Hollywood, Breakfast at Tiffany’s. Dù không lấy cảm hứng từ “buổi sáng huyền thoại” mà từ câu chuyện The Great Gatsby và những bản nhạc Jazz sâu lắng, Tiffany & Co đã giới thiệu bộ sưu tập Ziegfeld, tên gọi của một nhà hát nổi tiếng ở New York vào năm 1927, gồm các chuỗi dài sautoir kết hợp với kim cương và mã não đen.

 Truyền thuyết biển cả

Là loại ngọc duy nhất được sản sinh từ một cơ thể sống. Qua 4.000 năm song hành cùng nhân loại, loài ngọc này đã viết nên biết bao câu truyện truyền thuyết huyền ảo trải dài từ cổ chí kim, từ Á sang Âu.

Là nước mắt chào đời của nữ thần Aphrodite khi bà được sinh ra từ bọt biển. Câu chuyện thần thoại này được miêu tả trong bức họa The Birth of Venus của họa sỹ Sandro Botticelli vào giữa thập niên 1480.

Ngọc trai còn bảo chứng cho hạnh phúc hôn nhân và thường xuất hiện trong các lễ cưới ở khắp mọi nền văn hóa. Truyền thuyết gắn liền với hôn nhân xuất phát từ câu chuyện dân gian của Hindu về thần Vishnu, người đã lấy viên ngọc trai đầu tiên từ đáy đại dương và trao nó cho con gái Pandaia trong ngày cưới của con gái như của hồi môn cầu chúc tình yêu, sự hòa hợp và hạnh phúc.

Ngọc trai đối với Ai Cập cũng là một sản vật vô cùng giá trị đến nỗi các chuỗi cũng được chôn cất trong các lăng mộ hoàng gia. Tuy nhiên, câu chuyện về ngọc trai nổi tiếng nhất Ai Cập lại liên quan đến Nữ hoàng Cleopatra. Bà đã bỏ một hạt trai vào ly rượu và uống nó để thực hiện lời thách đố của Mac Antony là làm sao để tiêu tốn cả một gia tài vào một bữa ăn.

Theo GIA (Gemological Institute of America), Viện nghiên cứu ngọc học Hoa Kì, ngọc trai là đá bảo hộ tháng Sáu. Vì vậy, loại đá này được tin là lá bùa hộ mệnh cho cung Song Tử. Trong Đông y, bột có tác dụng phối hợp chữa bệnh kinh phong, giúp an thần và giải độc.

Nguồn: L'Officel

 

← Bài trước Bài sau →